Xã Gia Tân nằm ở phía Đông Bắc huyện Gia Lộc, cách trung tâm huyện khoảng 1km, phía Đông giáp xã Tân Tiến, phía Tây giáp Thị trấn Gia Lộc, phía Nam giáp xã Gia Khánh, phía Bắc giáp xã Gia Xuyên.
Gia Tân trong suốt chiều dài lịch sử, với nhiều lần chia tách, sáp nhập với các tên gọi khác nhau. Theo các tư liệu để lại, mảnh đất Gia Tân ngày nay có từ hàng nghìn năm. Khoảng cuối thời Hồng Bàng đã có làng Tràng Vi (nay là thôn Phúc Tân), vào thời Hai Bà Trưng (năm 40) đã có làng Cổ Lồi (nay là thôn Lãng Xuyên), khoảng đầu thế kỷ XIX có làng Trường Tân (nay là thôn An Tân).
Dưới xã hội thuộc địa nửa phong kiến, mỗi thôn là một xã. Từ năm 1945 trở về trước xã Lãng Xuyên và An Tân thuộc Tổng1 Hội Xuyên, xã Phúc Mại thuộc Tổng Thạch Khôi.
Từ tháng 12 năm 1945, 3 xã Lãng Xuyên, An Tân, Phúc Mại hợp nhất lại thành một xã gọi là xã Chí Thiện.
Từ tháng 3 năm 1948, xã Chí Thiện gồm: thôn Lãng Xuyên, An Tân, Phúc Mại sáp nhập với ba thôn Tranh Đấu, Tằng Hạ, Đồng Bào thành xã Kiên Trung.
Tháng 6 năm 1956, xã Kiên Trung tách ra làm hai. Xã Gia Xuyên gồm 3 thôn Tranh Đấu, Tằng Hạ, Đồng Bào; xã Gia Tân gồm 3 thôn An Tân, Lãng Xuyên, Phúc Tân cho đến ngày nay. Cùng với sự thay đổi tên gọi là quá trình thay đổi địa giới hành chính (thôn Phúc Mại được gọi là thôn Phúc Tân từ thời điểm tháng 6 năm 1956).
* PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Gia Tân là một xã có hệ thống giao thông khá thuận lợi. Trên địa bàn xã có sông Cầu Binh bắt nguồn từ sông Thái Bình (đoạn cảng cống Câu) về cầu Binh xã Gia Khánh, qua thôn An Tân, Lãng Xuyên, một ngả chảy xuống ngã ba Đồng Tràng xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ. Xưa kia, trên sông, thuyền bè xuôi ngược chuyên chở hàng hoá. Ngày nay, sông này chỉ dùng để tưới, tiêu nước cho đồng ruộng của Gia Tân và các xã xung quanh.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã chỉ có đường giao thông liên huyện và xã nhỏ hẹp, gồ ghề, lầy lội. Ngày nay, phía Tây Bắc của xã có đường Quốc lộ 37 trải nhựa qua Thành phố Hải Dương, huyện lỵ Gia Lộc, xuống thị trấn Ninh Giang. Phía Nam của xã có đường tỉnh lộ 395, nối từ đường 191, qua địa bàn xã 1,5 km về huyện Bình Giang, có nhiều đường liên xã, liên thôn, đường làng ngõ xóm được mở rộng bằng bê tông rất thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân và giao lưu phát triển kinh tế, văn hoá với các xã, huyện, tỉnh bạn.
Ngành nghề chính của nhân dân địa phương là sản xuất nông nghiệp với một số cây trồng chính như lúa, ngô, khoai lang và một số cây rau màu khác. Chăn nuôi trâu, bò, lợn và một số gia cầm phát triển. Một số người làm thêm các nghề: thợ nề, thêu, may mặc, buôn bán... Ngày nay, kinh tế phát triển mạnh, đã xuất hiện nhiều nghề mới như: cơ khí, nuôi trồng thuỷ sản, cây cảnh, dịch vụ thương mại...
* VĂN HÓA
Ở Gia Tân hiện nay chủ yếu là dân tộc Kinh. Tín ngưỡng dân gian được hình thành và phát triển rất sớm. Tại 3 thôn trong xã có 3 ngôi đình gồm: Đình An Tân, đình Lãng Xuyên và đình Phúc Tân là nơi thờ Thành hoàng làng- người có công với dân, với nước, có công khai khẩn tạo dựng nên làng xã, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, nơi hội họp việc làng của dân cư trong xã.
Đình An Tân là một công trình kiến trúc cổ được Bộ văn hoá - thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử - văn hoá năm 1992. Đình An Tân là nơi tôn thờ 4 danh tướng thời Lý- Trần là Đoàn Thượng, Đoàn Nhữ Hài, Lê Thạch và Hà Anh là những người đã có công lớn trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Trong đó, có 1 người con của quê hương Trường Tân (nay là xã Gia Tân) là Đoàn Nhữ Hài. Đình An Tân là nơi ghi lại nhiều dấu ấn lịch sử của địa phương: Tháng 5 năm 1962 và tháng 5 năm 1963, đình An Tân là nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lộc lần VII và VIII. Đình An Tân còn là nơi đón các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước về thăm địa phương; là địa điểm chào mừng đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Xô- Việt do Anh hùng vũ trụ Gherman Titov dẫn đầu; là địa điểm được chọn làm hội trường của phân hiệu I trường Nguyễn Ái Quốc sơ tán.
Đình Lãng Xuyên được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia năm 2006. Đình Lãng Xuyên được khởi dựng vào thời Nguyễn (đầu thế kỷ XIX), trùng tu vào năm Khải Định nhị niên (1917). Di tích là công trình khá đồng bộ từ toà Đại bái đến toà Hậu cung. Tại di tích còn lưu giữ nhiều mạng chạm khắc đạt trình độ nghệ thuật cao. Đình Lãng Xuyên là nơi thờ Thành hoàng làng hiệu Tự Thiên tiên Ngọc Tướng Quỳnh Nương công chúa (Thiên thần), là người có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc ngoại xâm. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình là trụ sở Uỷ ban lầm thời của xã Chí Thiện (nay là xã Gia Tân). Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, đình Lãng Xuyên là nơi đóng quân của Vệ quốc đoàn Chiến khu III, đại đội Ký con của vùng tả ngạn sông Hồng đồng thời là cơ sở hoạt động cách mạng của địa phương.
Đình Phúc Mại được công nhân là Di tích văn hóa cấp tỉnh năm 2005. Đình Phúc Mại là nơi thờ 3 vị Đức thánh Mẫu Thủy Trang hoàng hậu, Đức thánh cả Mộc thần Cây Lẻ Anh Uy Hiến ứng hùng Nghi đông Nhạc Đại Vương, Thủy thần Tràng út Anh Nghi Thiên Cảm Đại Vương là những người có công giúp vua Hùng Duệ Vương đánh giặc Thục. Trong kháng chiến, đình là cơ sở hoạt động cách mạng, là địa điểm được trưng dụng làm lớp học của trường cấp 1 và cấp 2 trong xã đồng thời cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử của địa phương
Xã vẫn còn lưu giữ được môn nghệ thuật truyền thống hát chèo cho đến ngày nay, là quê hương của tác giả Bùi Văn Phương với nhiều tác phẩm kịch bản sân khấu giành đ- ược giải cao trong các kỳ hội diễn của tỉnh, khu vực và toàn quốc.
Gia Tân là địa phương có tiếng là hiếu học, văn võ song toàn. Theo các văn bia để lại, dưới các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, địa phương có tới 305 gia đình nuôi thầy đồ trong nhà dạy chữ. Có 4 người đỗ đại khoa như: Tiến sĩ Ngô Khắc Tuấn, hoàng giáp Nguyễn Trọng Tốn, Tiến sĩ Nguyễn Y và tiến sĩ Nguyễn Quán Giai.
Tiến sĩ Ngô Khắc Tuấn là người xã An Tân, huyện Trường Tân, nay thuộc xã Gia Tân, huyện Gia Lộc. Thi hội đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481) đời Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hiến sát sứ.
Hoàng giáp Nguyễn Trọng Tốn (Theo Liệt huyệt đăng khoa lục ghi là Phạm Trọng Tốn) là người xã Trường Tân, huyện Gia Phúc, nay thuộc xã Gia Tân, huyện Gia Lộc. Thi hội đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, khoa Quý Mùi, niên hiệu Thống Nguyên thứ 2 (1523) đời Lê Cung Hoàng. Làm quan đến chức Đô cấp sự trung bộ Hộ.
Tiến sĩ Nguyễn Y (1673- ?) là người xã Lãng Xuyên, huyện Gia Phúc, nay là thôn Lãng Xuyên xã Gia Tân, huyện Gia Lộc. 28 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Thìn, niên hiệu Chính Hoà 21 (1700). Làm quan tới chức Thừa chỉ, tước bá, về trí sĩ.
Tiến sĩ Nguyễn Quán Giai là người xã An Tân, huyện Gia Phúc, nay là thôn An Tân, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc. 34 tuổi thi hội đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712) đời Lê Dụ Tông. Làm quan đến Tả Dụ Đức. Được về trí sĩ. Sau khi mất được truy phong chức Tả Thị Lang, tước bá. Theo bia “Vĩnh thịnh bát niên Nhâm Thìn khoa tiến sĩ đề danh ký" ghi tên ông cùng các tiến sĩ đỗ đồng khoa, dựng tại Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.
Mảnh đất này còn là nơi sinh ra nhiều danh nhân văn võ song toàn, làm rạng rỡ quê hương, đất nước như Đoàn Nhữ Hài, Ngô Khắc Tuấn, Phạm Quán Giai, Nguyễn Đức Y và các danh tướng có công với nước được tôn vinh như: Lê Thạch, Hà Anh.
* TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG
Trong sự nghiệp cách mạng to lớn của dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Gia Tân đã có những đóng góp xứng đáng công sức và xương máu của mình. Trong công cuộc đổi mới ngày nay, Đảng bộ và nhân dân Gia Tân tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên và thế mạnh về con người tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực vượt qua mọi khó khăn thách thức tiến lên giành những thắng lợi mới. Xã đạt chuẩn quốc gia Nông thôn mới năm 2016.
Những đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân Gia Tân đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương, Huy chương trên nhiều lĩnh vực. Tiêu biểu: Năm 1975 nhân dân và cán bộ xã Gia Tân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì, năm 1976 được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba, năm 1980 được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất, năm 1990 được tặng th- ưởng Huân chương chiến công hạng Nhì. Gia Tân còn vinh dự được đón đồng chí Trường Chinh- Uỷ viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội về thăm tháng 12 năm 1980, Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thăm năm 1980, các đoàn khách nước ngoài và nhiều lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, huyện về thăm và làm việc.