Cách không xa trung tâm xã Gia Khánh, bất chấp sự phát triển của xã hội, miếu Chợ Cốc khoác lên mình vẻ phong sương, cổ kính, nhuốm màu thời gian. Cụ Nguyễn Đức Hiệp, năm nay đã 93 tuổi, được chính quyền và nhân dân tín nhiệm trông coi di tích khẳng định: Ngôi miếu này giống như một “viên ngọc” quý của người dân địa phương chúng tôi. Đồng thời, Thành hoàng làng - Danh tướng Nguyễn Công Nguyên với chúng tôi cũng là người che chở, phù hộ cho bao đời dân làng có được cuộc sống bình an, sung túc”.
Miếu Chợ Cốc
Theo sử sách ghi chép, dưới thời vua Lý Nhân Tông, nhân dân ta cùng triều đình đã bao lần đứng lên chống giặc phía Bắc - giặc Tống đem quân xâm lược; phía Nam - giặc Chiêm Thành , Chân Lạp tràn qua biên giới.
Nguyễn Công Nguyên đã họp bàn với các cụ phụ lão và trai tráng trong làng đứng lên giúp nhà Lý cứu nước. Lúc bấy giờ ở khu Thượng có 32 người, khu Trung có 16 người, khu Hạ có 5 người đã cùng ông lên yết kiến với nhà vua. Vua Lý thấy diện mạo con người cương trực, có tài quân sự, giao cho ông ba vạn quân đi đánh giặc. Nguyễn Công Nguyên cùng binh sĩ kéo quân về hạ trại trên núi Yên Tử (Quảng Ninh). Lúc ấy quân địch đã chiếm một dải đất rộng lớn suốt từ An Lâm (Nam Sách - Hải Dương) đến Đông Triều (Quảng Ninh) .
Với mưu lược của mình, chỉ trong vòng một tháng đã đánh tan quân giặc và giải phóng một vùng rộng lớn. Lúc ấy vua Lý đã sai Lý Thường Kiệt đánh tan quân giặc ở phía Nam. Vua Chiêm thành bỏ chạy về nước, chịu quy phục quân ta. Đánh xong quân giặc, Nguyễn Công Nguyên cùng binh sĩ bái yết nhà vua, ông được phong chức Đô úy phụ quốc Thượng tướng quân, ban thưởng tiền bạc và cho đi nhậm chức. Nhưng ông bái tạ và xin về quê. Về quê được một thời gian ngắn, ngày 29/10 năm Mậu Thân (1128) ông bị bệnh và qua đời tại quê hương.
Có công lớn góp phần mang lại độc lập cho dân tộc, Nguyễn Công Nguyên đã được các triều đại phong kiến công nhận (25 đạo sắc từ thời vua Lý Nhân Tông đến thời vua Khải Định). Ngoài ra, công tích của ông còn được cụ Nguyễn Quý Tân (Nghè Tân) khắc bia công nhận, đến nay tấm bia này vẫn còn được lưu giữ trong di tích. Sau khi mất, ông cũng được nhân dân tôn làm Thành hoàng làng và lập miếu thờ. Trước đây được xây dựng rất đẹp, cổ kính nhưng vì thời gian vì thiên nhiên văn chỉ chỉ còn lại với chúng ta 5 tấm bia nói lên địa hình xây dựng miếu thờ Nam Thiên Danh Tướng và những nguời có công xây dựng Miếu.
Ngôi miếu từng bị giặc Pháp đốt phá, đến năm 1995 mới được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên được kiến trúc xưa kiểu chữ Nhị với 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Tam quan được nhân dân địa phương trùng tu tôn tạo với cổng chính là hai tháp bút cao vút, có hai con rồng uốn lượn mềm mại, là tác phẩm điêu khắc cầu kỳ, thể hiện tài hoa của người thợ địa phương. Cổng bên phải được kiến tạo đẹp mắt, đồ sộ, phía đao của các góc của mỗi mãi uốn cong đắp hoa lá thanh thoát, mềm mại. Nếu nhìn vào phần chính giữa của hai tầng mái, ta thấy 4 chữ Hán đắp nổi: "Sinh - Tiền – Tá - Lý" (Sống giúp nhà Lý). Bên cạnh cổng phía bên phải là một cuốn thư được đáp bằng chất liệu xi măng bền chắc, giữa cuốc thư là hình một con hổ phù nằm trên núi và một số cảnh núi rừng sinh động. Cuốn thư này phủ toàn bộ phần ngoài phía bên phải của tòa đại bái. Cổng phía bên trái cũng được kiến tạo giống cổng bên phải, nhưng dòng chữ Hán trên cổng trái có chữ "Hóa - Hậu - Phù - Trần" (Chết phù hộ nhà Trần). Toàn bộ phần tam quan phủ kiến toàn bộ mặt tiền của di tích được kiến trúc đẹp mắt, sinh động tôn thêm vẻ cổ kính và trang nghiêm cho di tích.
Qua tam quan là 5 gian tiền tế, có kiến trúc theo kiểu con chồng giá chiêng và kèo cầu bít đốc. Ngoài những bức chạm như trúc hóa long, mai điểu trên các đầu bẩy, di tích còn có một số bức chạm long cuốn thủy, tứ linh, tứ quý ở các gian trung tâm. Cấu kiện toà tiền tế làm bằng chất liệu gỗ lim, mái lợp ngói vẩy cá truyền thống.
Trước đây, ba gian hậu cung có kiến trúc con chồng đấu sen, nhưng qua năm tháng đã bị xuống cấp. Chính quyền và nhân dân địa phương đã tu sửa lại theo kiểu kèo cầu đơn giản nhưng chắc chắn. Tòa nhà này khá thấp, ít ánh sáng nên hậu cung mờ ảo, linh thiêng. Toà tiền tế và tòa hậu cung đều có 2 đầu hồi cuốn hình quai chảo truyền thống, mềm mại bởi những đường chỉ kép.
Di tích còn lưu giữ khá nhiều cổ vật quý, nhất là đồ gỗ như 3 cỗ ngai thờ, 2 bộ đòn bát cống, các bộ long đình, bát biểu... có niên đại thời Nguyễn và 05 bia đá, trong đó có bia do Tiến sĩ Nguyễn Quý Tân (1814-1858) soạn. Miếu hiện còn giữ được 10/25 đạo sắc phong.
Lễ hội miếu Chợ Cốc hàng năm được tổ chức từ ngày 11-13 tháng Giêng Âm lịch, chính hội vào ngày 12 tháng Giêng kỷ niệm Ngày sinh của Danh tướng Nguyễn Công Nguyên. Lễ hội diễn ra với tục rước kiệu Thánh từ 3 thôn: Bình Đê, Cao Lý và Gia Bùi. Đồng thời tổ chức phần hội với các trò chơi dân gian như: cờ người, đập niêu, đi cầu thùm, đi thuyền hát quan họ, giao lưu văn nghệ giữa các làng. Ngoài ra, có thêm một số môn thể thao như bóng chuyền, cầu lông,... Đặc biệt, trong 3 ngày tổ chức lễ hội thì người dân trong làng không tổ chức lễ cưới,… phong tục này được duy trì từ xưa đến nay, được các thế hệ trân trọng giữ gìn.
Để làm tốt việc quản lý, trông coi, giữ gìn di tích và tổ chức lễ hội, chính quyền xã Gia Khánh đã thành lập Ban quản lý di tích với hơn 20 thành viên do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Đồng thời thành lập thêm Tiểu ban quản lý di tích ở thôn do Trưởng thôn làm Trưởng tiểu ban.
Tuy nhiên hiện nay, sau lần tu bổ lớn nhất vào năm 1995, đến nay Miếu Chợ Cốc đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều cột gỗ đã bị mối mọt nặng, nghiêng ngả, người dân phải dùng móc sắt bắt cột nọ vào kèo kia để giữ. Các đầu mộng, xà ngang, xà dọc vỡ mộng, gãy thân xà. Nhiều họa tiết, hoa văn, tường bị bong tróc, mái ngói xô lệch cứ mưa là dột. Nhất là phần hậu cung có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào. Đồng thời, ngôi miếu hiện cũng nằm sát đường giao thông nên ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức lễ hội.
Nhiều hạng mục trong di tích bị hư hại nặng, cần sớm được tu bổ
“Năm nay, dựa trên hiện trạng của di tích và nguyện vọng của nhân dân, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tu bổ với kinh phí dự kiến khoảng 9 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa và có tờ trình lên phòng Văn hóa Thông tin huyện để sớm đưa ra phương án tu bổ, tôn tạo di tích. Rất mong các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện để di tích được tôn tạo, phát huy được giá trị lịch sử, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương” – ông Đặng Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ.